Trang chủ Tin tức Đi toilet 5 sao miễn phí giữa Sài Gòn

Đi toilet 5 sao miễn phí giữa Sài Gòn

24/03/2021 | 1457 lượt xem

12 nhà vệ sinh công cộng miễn phí đặt khắp các công viên lớn của TP HCM như Lê Văn Tám, 23/9, Tao Đàn, Gia Định… từ  năm 2013 đến nay, mỗi ngày thu hút hàng trăm lượt khách sử dụng. Toilet xây dựng theo tiêu chuẩn 5 sao như trong các khách sạn, nhà hàng lớn với trang thiết bị hiện đại, nhân viên túc trực dọn vệ sinh, mở cửa từ 5h đến 22h. Mỗi nhà vệ sinh diện tích 60 m2, chi phí xây dựng từ 800 triệu đến một tỷ đồng.

Bên trong toilet, các bồn cầu được thiết kế xả nước tự động, nội thất sang trọng với gương, bình hoa trang trí, bồn rửa tay, máy sấy và nhân viên túc trực theo ca. Nhiều khách sử dụng nhà vệ sinh sạch, đẹp và miễn phí đã không khỏi ngạc nhiên. Chị Lan Hương sảng khoái sấy khô tay trong tiếng nhạc không lời du dương, thích thú so sánh: “Ở châu Âu mỗi lần đi nhà vệ sinh tiêu chuẩn cỡ vậy phí dịch vụ gần 1 bảng Anh (khoảng 30.000 đồng), trong khi Sài Gòn miễn phí, tôi rất thích”.

Bên trong nhà vệ sinh miễn phí có gương, máy sấy tay, hoa trang trí và nhạc du dương. Ảnh- Khánh Ly

Bên trong nhà vệ sinh miễn phí có gương, máy sấy tay, hoa trang trí và nhạc du dương. Ảnh- Khánh Ly

Nhà vệ sinh công cộng miễn phí giúp bác xe ôm, người bán hàng rong, khách đi đường cơ nhỡ yên tâm giải quyết nhu cầu đột xuất. “Bình thường, mỗi lần đi vệ sinh công cộng phí 2.000 đồng, cộng dồn lại cả ngày vài lần cũng là chi phí đáng kể đối với đa số người bán hàng rong, vé số, thu lượm ve chai như chúng tôi”, chị Nguyễn Thị Hường, bán hàng tạp hóa rong ở công viên 23/9, cho biết.Bà Leslie Calliste ở khu Phạm Ngũ Lão, du khách người Đan Mạch thích thú chụp những bức ảnh về nhà vệ sinh công cộng ở Sài Gòn. Bà bày tỏ sự ngạc nhiên khi bắt gặp nhiều nhà vệ sinh tiêu chuẩn khách sạn, sạch sẽ và miễn phí tại công viên.

Bà Võ Thị Đặng, nhân viên trực tại nhà vệ sinh công cộng ở công viên Lê Văn Tám, cho biết: “Nhiều khách lần đầu vào rất ngạc nhiên, đi xong còn đòi gửi tiền nhưng dù chỉ lấy phí 1.000 đồng cũng sẽ mất ý nghĩa của nhà vệ sinh công cộng miễn phí”. Tuy nhiên không ít khách sử dụng toilet do thiếu ý thức đã gây nên những sự cố cho dịch vụ này.  

Để đảm bảo toilet sạch sẽ, trước mỗi nhà vệ sinh đều có sẵn gần chục đôi dép nhựa để khách sử dụng. Sau hơn một năm toilet hoạt động, tất cả dép đều bị cắt cụt đầu. Bà Đặng giải thích: “Bị trộm nhiều quá nên phải cắt đầu dép cho xấu để chống mất cắp”. 

Khách thay dép trước khi sử dụng toilet. Ảnh- Khánh Ly

Khách thay dép trước khi sử dụng toilet. Ảnh- Khánh Ly

Chạy bộ ở công viên Lê Văn Tám, chị Khổng Loan không thể tin vào mắt mình khi bắt gặp một người đàn ông đứng giữa công viên quay mặt vào nhà vệ sinh “giải quyết nỗi buồn”.  Chị bức xúc: “Bức tường bác ấy úp mặt vào là nhà vệ sinh 5 sao miễn phí, tại sao lại không đi vào bên trong nhỉ?”. Tự mình đưa ra nhiều giả thuyết, chị Loan nghĩ mãi vẫn chưa ra câu trả lời mà không dám hỏi trực tiếp người đàn ông kia.Một số khách mang giày thường khó chịu khi phải tháo giày đi dép. Có người lý sự: “Dép này có sạch hơn giày của tôi không? Tôi tháo giày nhỡ mất thì ai đền?”. Nhiều khách đi cả giày dép dính bùn đất vào bên trong khiến nhân viên lau chùi vất vả. Có người vào xả nước ào ào và tắm khiến nước chảy lênh láng khắp phòng. 

Một người trút bầu tâm sự ngay bên ngoài nhà vệ sinh miễn phí tại công viên Lê Văn Tám, quận 1. Ảnh- Khổng Loan

Một người trút bầu tâm sự ngay bên ngoài nhà vệ sinh miễn phí tại công viên Lê Văn Tám, quận 1. Ảnh- Khổng Loan

Tương tự, nhiều lần chạy bộ ở công viên 23/9, chị Trương Tố Như cũng bắt gặp cảnh những quý ông quay mặt vào tường giải quyết nhu cầu chỉ cách nhà vệ sinh sạch sẽ miễn phí có vài bước chân. 

Tại nhà vệ sinh khu B công viên 23/9 chiều 4/11,  một người đàn ông trung niên ăn vận lịch sự tấp vào bức tường hông nhà vệ sinh, liếc nhìn bốn phía rồi thoải mái “trút bầu tâm sự”. Giải quyết xong xuôi, ông quay ra giải thích với người cùng đi: “Trong nhà vệ sinh hơi bí, mỗi lần nhậu xong tôi bị choáng đầu lại phải tháo giày thay dép này nọ nữa thì hơi lâu…”.

Nhà vệ sinh miễn phí không có chỗ trông xe cũng là cái khó cho khách đi đường. Không ít người dựng xe trước công viên chạy vào nhà vệ sinh nhưng nơm nớp lo mất xe. Ông Nguyễn Trực, xe ôm tổ tự quản phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, đậu bãi trước khu vực nhà vệ sinh công viên 23/9, cho biết từ đầu năm đến nay đã chứng kiến 3 vụ mất xe máy của khách đi vệ sinh. Mới đây, một nữ sinh viên dựng và khóa chiếc xe tay ga trước toilet ở công viên 23/9, khi trở ra xe đã “không cánh mà bay”.

Từ tháng 7 năm nay, UBND phường Phạm Ngũ Lão phải luân phiên cử 2 dân phòng đứng canh trước nhà vệ sinh công cộng công viên 23/9 để đề phòng mất trộm xe.